Chúng ta hay nghe nhiều về những cụm từ rối loạn hệ thần kinh Thực vật. Nghe thật khoa học và đầy tính chuyên môn, cơ mà nó biết ta, ta không biết nó.Thực ra không thiếu những bài viết nói về vấn đề này, từ nguyên nhân đến kết quả, từ cách chữa trị bằng thuốc đến những lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, luyện tập và thư giãn. Nhưng sau đó là dấu chấm hết. Luyện tập là luyện tập như thế nào??? Thư giãn là thư giãn ra sao??? 😆
Thế thì ở bài viết này, tôi sẽ chia sẻ dưới góc nhìn của một người thực hành Yoga, qua quá trình tìm hiểu, thực hành và đúc kết bằng kinh nghiệm chính bản thân mình. Và cũng xin nhắc lại, đừng hiểu lầm Yoga là chữa bệnh. Một cơ thể khỏe mạnh và một tâm trí minh mẫn là điều tất yếu nếu chúng ta kiên trì, hãy luôn ghi nhớ điều này trong tâm trí.
Như chúng ta biết tất cả mọi hoạt động sống của con người bao gồm những phản ứng bên ngoài đối với môi trường xung quanh cũng như sự vận hành của bộ máy cơ quan bên trong nhằm duy trì sự sống của con người. Tất cả mọi hoạt động này đều chịu sự chi phối của một máy chủ đó là hệ thần kinh Trung ương nằm ở vỏ não. Tất cả mọi thông tin tiếp nhận thông qua ngũ giác sẽ được truyền về hệ thần kinh Trung ương thông qua hệ thống dây và hạch thần kinh. Một ví dụ trực quan, nếu cơ thể chúng ta là con tàu, các hệ cơ quan sẽ là động cơ, hệ thần kinh Trung ương sẽ là điều khiển đầu tàu và thuyền trưởng là ý thức,...
Tất cả hoạt động này được cân bằng bởi hệ thần kinh Động vật được điều khiển bằng ý thức (bao gồm các phản ứng cơ thể bên ngoài với môi trường) và hệ thần kinh Thực vật (điều khiển các hoạt động bên trong cơ thể như hệ tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết,...).
Hệ thần kinh Thực vật lại được phân thành hệ thần kinh Giao cảm và Đối giao cảm. Hai hệ thần kinh này có mối quan hệ tương hỗ với nhau, hiểu nôm na là một bên kích thích thì một bên ức chế và ngược lại.
Tóm lược đến đây để mọi người dễ hình dung. Quay về chủ đề chính của chúng ta. Mất ngủ, huyết áp, stress, béo phì, rối loạn tiêu hóa,...có thể được xem là những căn bệnh của thời đại văn minh. Tất cả các triệu chứng trên đây đều là biểu hiện của rối loạn hệ thần kinh Thực vật. Và cụ thể hơn nữa đa phần thuộc kiểu cường thần kinh Giao cảm. Các tình trạng do cường thần kinh Giao cảm liên quan đến trạng thái kích thích có thể kể đến như tim đập nhanh, cao huyết áp, mất ngủ, bồn chồn, căng thẳng, sự co bóp kém, ít tiết dịch,...
Người lao động chân tay ngày xưa để cân bằng giữa thể chất và tinh thần nên thỉnh thoảng tìm đến các thú vui tao nhã như hò, vè, đối thơ, chơi cờ,.... Cũng không lấy làm khó hiểu, nhiều tác phẩm thơ ca, ca dao tục ngữ,... còn tồn tại đến bây giờ mà đa phần lại rơi vào thời chiến tranh hay thời kì tăng gia sản xuất. Ngược lại, con người hiện đại vận động chí óc nhiều cần kết hợp thêm luyện tập cơ thể, thư giãn tinh thần.
Nhưng mọi chuyện bắt đầu "khó nói" hơn khi mà người ta bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống hiện đại. Những hoạt động giúp thư thái tinh thần, rèn luyện cơ thể hầu như bị bỏ quên. Làm việc quá sức, thường xuyên chịu áp lực nếu không có sự cân bằng sẽ khiến con người kiệt quệt về cả thể chất lẫn tinh thần.
Một người trẻ tuổi có thể vỗ ngực tự hào về sức trẻ, về mức độ chịu đựng của cơ thể. Tuy nhiên nếu anh ta chỉ biết khai thác cơ thể và bộ não như một cỗ máy, rồi có lúc nó sẽ kiệt quệ. Bộ não chúng ta cũng rất thông minh, có thể vì nó lường trước được những gì sẽ xảy ra nên bản thân đã chuẩn bị sẵn một nguồn tài nguyên dự trữ. Tài nguyên thì sẽ đến lúc nào đó cũng cạn kiệt nếu như chúng ta chỉ biết khai thác. Sẽ có lúc cơ thể lên tiếng báo hiệu sự suy kiệt nếu con người vẫn thờ ơ với những dấu hiệu thì hệ thần kinh bắt đầu cho những phản ứng âm tính với những rối loạn như một sự cảnh cáo. Các hệ cơ quan lúc bấy giờ như một con ngựa bất kham không còn chịu sự chỉ huy của hệ thần kinh Trung ương. Và rồi khi mà các cơ quan cứ chạy vô thức như một con ngựa không được điều khiển, một lúc nào đó sẽ kiệt quệ và sau đó là ngã gục. Rối loạn thần kinh thực vật xảy ra. Cơ thể và thần kinh suy kiệt.
Cơ thể con người là một cỗ máy thống nhất mà, một vị trí bị lỗi sẽ kéo theo cả một hệ thống.
Trái ngược với hệ thống thần kinh động vật (điều khiển bằng ý thức), hệ thống thần kinh thực vật không thể chế ngự bằng ý thức. Con người chúng ta không thể TRỰC TIẾP ra lệnh cho Tim hay Phổi hoạt động theo ý mình. Nhưng tin vui là con người có thể GIÁN TIẾP làm điều đó như những người Yogi trong quyển "Hành trình về phương Đông" hay "Tự truyện của một Yogi". Họ có thể nín thở hàng giờ, ra lệnh cho Tim ngừng đập. Đó chỉ là một trong những huyền thuật được đề cập đến. Vâng cái GIÁN TIẾP này sẽ là keyword của toàn bộ bài viết sau mà tôi muốn chia sẻ. Tất nhiên không phải nói về những huyền thuật cao siêu ở trên đâu nhé. Chia sẻ cái mình không làm được, không chắc cho người khác là có lỗi với bản thân và người khác.
Muốn chữa bệnh phải biết nguyên nhân gốc rễ căn bệnh. Đó là lý do tôi nói khá nhiều và chi tiết về một vấn đề như vậy. Sẽ có những người biết nhiều về phương pháp nhưng mơ hồ vì không hiểu nguyên nhân. Một khi biết được gốc rễ thì có thể suy ra nhiều phương pháp khác nữa. Không phải lan man mà là sự chắc chắn. Mọi vấn đề càng lúc càng rõ ràng hơn và sẽ có lúc chúng ta phải "ồ" lên khi phát hiện những điều mới mẻ.
Phần chia sẻ này cho chúng ta hiểu nguyên nhân của vấn đề, ta tạm gọi là phần 1, hẹn gặp lại các bạn ở phần 2 với phương pháp cải thiện HỘI CHỨNG RỐI LOẠN THẦN KINH THỰC VẬT thông qua Yoga.
|Hết phần 1|
Ảnh: Internet
0 comments:
Post a Comment