ĐẶT HAI BÀN CHÂN SONG SONG CÓ THỰC SỰ CẦN THIẾT???




Khi đến lớp Yoga hẳn chúng ta vẫn thường được giáo viên nhắc nhở: Giữ hai bàn chân song song ở tư thế Trái núi (Tadasana). Hoặc sẽ có người hướng dẫn xoay nhẹ hai ngón chân cái vào trong và hai gót chân hướng nhẹ ra ngoài. Rất nhiều và rất nhiều cách hướng dẫn như vậy, dù thế nào thì mục đích chung cũng nhằm hướng cho hai bàn chân song song với nhau. Điều này được lý giải rằng: Giống như việc xây dựng một căn nhà thì nền móng phải thật sự vững chắc, có như vậy thì căn nhà xây lên mới chắc chắn. Và ngược lại, nhà xây lên sẽ đổ không phải vì bản thân nó không chắc chắc mà vì nền móng không vững. Quay về tư thế Trái núi, đây được xem là tư thế nền tảng của mọi tư thế đứng nên 2 bàn chân được xem là nền móng hết sức quan trọng và việc đặt 2 bàn chân sẽ quyết đinh một tư thế có vững chãi hay không.
Bản thân tôi cũng từng hướng dẫn học viên mình như vậy. Nhưng khi tôi đứng với 2 bàn chân song song, tôi không hề cảm nhận được sự vững chắc mà ngược lại tôi cảm nhận có vẻ như cổ chân và đầu gối của mình đang bị xoắn khi cố giữ 2 bàn chân song song. 
Sau này, khi tôi tìm hiểu sâu hơn về giải phẫu, hiểu rõ hơn cách vận hành cơ, xương, khớp, các mô liên kết,...Tôi biết khớp hông với cấu trúc ổ chảo (socket joint ) là khớp linh hoạt lớn nhất và đảm nhận tải trọng lớn nhất cơ thể. Khớp hông là vị trí liên kết chỏm xương đùi (Femoral head) và khung chậu (Pelvis bone). Vì cơ thể là một thực thể thống nhất, hướng của mặt trước ổ chảo hông quyết định hướng xoay của xương đùi, gối và bàn chân. Một người với cấu trúc mặt trước ổ chảo hướng ra bên ngoài, 2 bàn chân sẽ có xu hướng mở ra bên ngoài. Tương tự, một người với cấu trúc mặt trước ổ chảo hướng về trước, xương đùi (Femur) ở vị trí trung lập thì 2 bàn chân cũng đã song song với nhau.
Vậy để giữ cho hông ổn định thì giữa việc giữ cho bàn chân song song và việc giữ chỏm xương đùi (Femoral head) ổn định trong ổ chảo khung chậu cái nào quan trọng hơn?

Vị trí hai bàn chân song song chưa hẳn quyết định độ ổn định của hông vì mỗi người có một cấu trúc khung xương khác nhau. Sẽ là một thử thách để nhận biết sự khác biệt về cấu trúc khung xương trong một lớp nhiều học viên. Bằng việc quan sát đơn thuần, chúng ta khó để nhận thấy hướng của mặt trước ổ chảo, cũng như sự vận xoắn đang diễn ra bên trong cơ thể học viên (tôi đang nói đến vị trí tưởng chừng trung lập). Tuy nhiên thông qua sự quan sát gián tiếp ở đầu gối chúng ta có thể nhận biết điều này. Ở tư thế Trái núi, hãy nhắc học viên đưa trung tâm gối hướng về trước (điểm nhô ra nhiều nhất của đầu gối nhìn từ trên xuống). Từ đây hãy quan sát vị trí 2 bàn chân. Nếu 2 bàn chân hướng ra ngoài thì cấu trúc mặt ổ chảo của họ hướng ra ngoài và ngược lại. Để đảm bảo tính chính xác, hãy nhắc học viên kích hoạt cung bàn chân (feet arch) bằng cách ấn 3 điểm dưới lòng bàn chân xuống sàn. Kích hoạt cơ đùi, kéo 2 gối về hướng hông. Điều này sẽ hiệu quả hơn đối với trường hợp bàn chân dẹt (flat feet-hai đầu gối hướng vào nhau) hay chân vòng kiềng. Việc kích hoạt cung bàn chân sẽ kéo đầu gối về vệ trí thẳng hàng. Ngoài ra, học viên cần tinh tế, kết hợp đưa sự chú ý vào khớp hông. Cảm nhận liệu khi trung tâm đầu gối hướng về trước thì khớp hông có thoải mái không???
Cấu trúc liên kết giữa chỏm xương đùi và khung chậu.
Kích hoạt ba điểm dưới lòng bàn chân.


Đối với người mặt trước ổ chảo có xu hướng xoay ra ngoài, ở tư thế Chiến binh II (Virabhadrasana II), họ sẽ dễ dàng mở khớp hông, đưa 2 xương đùi (Femur) song song với 2 cạnh bên thảm tập. Đối với người mặt trước ổ chảo có xu hướng xoay vào trong, họ sẽ cảm nhận sự thoải mái hơn ở tư thế anh hùng ngồi (Virasana), khi mà khớp hông xoay vào trong.
Biết và hiểu về cấu trúc cơ thể để chúng ta có hướng luyện tập phù hợp cho cơ thể. Nhưng việc thay đổi thói quen trong khi thực hành Yoga sẽ cho ta nhiều trải nghiệm thú vị. Ví dụ muốn xoay chân ra ngoài, đòi hỏi kết hợp xoay hông ra ngoài (để không xoay gối), điều này sẽ giúp chúng ta mở khu vực hông. Thay đổi thói quen còn giúp ta chấp nhận những khiếm khuyết cơ thể, xem đó là thử thách. Ta yêu quý cơ thể mình hơn. Đó cũng là một trong những mục đích của các biến thế. 
Là một HLV, chúng ta có thể khuyến khích học viên cởi mở đón nhận những thay đổi và tò mò hơn về cơ thể của mình bằng sự cảm nhận bên trong chứ không phải hình thức đẹp đẽ bên ngoài. Từ đây mở rộng hơn nữa, chúng ta có thể trải nghiệm ở nhiều bộ phận khác nhau bên trong cơ thể. Dần dần theo quá trình luyện tập, bức tranh cơ thể bên trong sẽ dần sáng tỏ.
Chúng ta vào một tư thế không phải để trông nó thật đẹp, thật thẳng hàng theo những quy tắc cứng nhắc. Alignment là những quy tắc thẳng hàng, chuẩn mực chung hướng đến sự an toàn tuy nhiên không hẳn phù hợp với tất cả mọi người nên HLV cần linh hoạt với từng cơ địa, luôn nhắc học viên cảm nhận cơ thể mình. Chúng ta thông qua tư thế để nhận biết cơ thể bên trong, nhận biết những giới hạn cơ thể đó là bước đầu của sự kết nối về ngôi nhà nội tâm. Chúc các bạn luyện tập vui. Namaste!
Ảnh: sưu tầm.

0 comments:

Post a Comment

 

Flickr Photostream

Twitter Updates

Meet The Author

HHJJ